VTV9 Nhịp sống Phương Nam - Bỏ học làm thuê vì vướng bẫy mua hàng trả góp
LS. Lê Thị Ngọc Diễm (GĐ Công ty Luật DiNa) tư vấn hành vi đảo lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua hàng trả góp
Trót tin lời của một người tên là Trương Quang Anh Đức, khoảng 300 sinh viên của các trường đại học trên địa bàn TP. Cần Thơ đứng tên mua điện thoại, laptop trả góp. Sau khi trả cho mỗi em 400.000 đồng, Đức ôm theo số hàng đã mua và đã bỏ trốn. Riêng các em sinh viên phải gánh số nợ hàng trăm triệu đồng. Không dám báo về gia đình, vậy là các em chọn cách làm thuê với hy vọng có tiền trả nợ.
Theo các luật sư, để cho vay mua hàng trả góp, ngân hàng phải xác minh khả năng trả nợ của người vay. Hồ sơ cũng phải có chữ ký của người vay và tổ chức tín dụng. Việc đối tượng Trương Quang Anh Đức dụ dỗ hàng trăm sinh viên vay tiền mua hàng trả góp mà không qua xác minh, không có đầy đủ chữ ký của sinh viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trình báo với Công an quận Ninh Kiều, Nguyễn Hữu Lộc, sinh viên năm ba Đại học Cần Thơ, cho biết mỗi ngày nhận 20-30 cuộc gọi đòi tiền từ các công ty tài chính. Nam sinh được thông báo đang nợ số tiền khoảng 60 triệu đồng, trong khi không hề vay mượn ai. Do không có khả năng trả, lo sợ vì liên tục bị đe dọa, Lộc phải bảo lưu việc học trong hai năm để đi làm kiếm tiền. Lộc cho biết, quen Đức, 22 tuổi, hồi năm ngoái. Người này nhận là nhân viên bán hàng đang chạy doanh số cho các cửa hàng điện máy lớn ở quận Ninh Kiều, nhờ Lộc giả làm hồ sơ vay tiền để mua hàng trả góp, sau đó hồ sơ này sẽ được huỷ. Mỗi hồ sơ Lộc được trả công 400.000 đồng, tối đa làm được hai bộ. Còn nếu nam sinh giới thiệu thêm bạn sẽ được nhận 150.000-200.000 đồng mỗi bộ.
Tin tưởng, lần đầu, Lộc cùng Đức đến cửa hàng điện tử ký hồ sơ vay mua chiếc laptop trị giá gần 30 triệu đồng. Sau khi hoàn tất thủ tục, chiếc laptop được trao lại cho Đức, Lộc nhận tiền công. Đầu năm nay, nam sinh tiếp tục đứng ra nhận mua trả góp chiếc iPhone 13 trên 30 triệu đồng. Ra khỏi cửa hàng, Đức trả công cho Lộc và lấy lại điện thoại. Thấy việc làm đơn giản, Lộc giới thiệu cho em trai làm hồ sơ mua một máy ảnh gần 30 triệu đồng. "Anh ta nói chỉ cần chứng minh nhân dân là có thể làm hồ sơ, nhận tiền công. Còn hồ sơ vay sẽ tự hủy sau vài ngày, không phải trả bất cứ khoản tiền nào hay đóng trước tiền cọc", Lộc cho biết. Đến cuối tháng 4, Lộc mới hay Đức đang nợ tiền nhiều người nên đã lừa mình và nhiều sinh viên khác sau đó không còn khả năng chi trả...
Tương tự, sinh viên Đào Thị Cẩm Tiên, 20 tuổi, ngụ ở huyện Thới Lai, cho biết nhiều ngày qua liên tục bị các nhân viên "công ty tài chính" gọi điện, nhắn tin đe dọa, yêu cầu trả nợ khiến em và gia đình hoang mang. Hồi tháng 3, qua bạn bè giới thiệu, Tiên được Đức hướng dẫn dùng chứng minh thư đến một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Trần Phú, quận Ninh Kiều, để làm hồ sơ mua trả góp máy nước nóng và một số đồ da dụng khác. Gói vay của Tiên là 19 triệu đồng, thời hạn vay trong 4 tháng. Người này cam kết sau khi làm thủ tục mua trả góp xong sẽ trả chí 400.000 đồng, hồ sơ vay tự động hủy sau hai ngày mà không phải đóng bất cứ khoản tiền gì. "Em tin tưởng bạn bè giới thiệu nên đồng ý đứng ra ký hồ sơ. Lúc ký, Đức lật hồ sơ rất nhanh em cũng cảm thấy bất an nhưng chủ quan không kiểm tra lại", nữ sinh nói. Tiên được Đức chuyển khoản 400.000 tiền công nhưng không lâu sau liên tục bị đòi nợ mới biết mình sập "bẫy".
Với cách thức này, hàng trăm sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở Cần Thơ tố cáo bị Đức dụ dỗ, mắc nợ 10-60 triệu đồng. Họ cho biết, khi đứng ra làm hồ sơ vay, mua trả góp cho Đức họ không nhận bất cứ tài sản hay khoản tiền nào. Hành vi của Đức có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Phụ trách nội dung: Ngọc Ngân
-----------
Để được hỗ trợ những vấn đề pháp luật liên quan, vui lòng liên hệ: CÔNG TY LUẬT DINA
Địa chỉ: 229 Đường Nguyễn Đệ, phường An Hoà, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Holine: 0916.999.058 - 0878.860.860
Mail: luatdina@gmail.com
Website: luatdina.vn
Số lần xem: 21