THCT Hộp thư truyền hình ngày 27.10.2024
LS. Lê Thị Ngọc Diễm (GĐ Công ty Luật DiNa) tư vấn trường hợp yêu cầu mở lối đi qua khi quyền sử dụng đất bị vây bọc
Hiện nay, mở lối đi là một vấn đề phổ biến và rất thường xuyên phát sinh tranh chấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người muốn mở lối đi thì mong muốn có lối qua lại, người có đất bao bọc lại mong muốn bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của mình, mà từ đó tư duy và nhận thức khó hòa hợp trên tinh thần “tình làng nghĩa xóm” mà thực tế ai cũng cho rằng theo mình là hợp lý, dẫn đến tình trạng tranh chấp phát sinh.
1. Tranh chấp lối đi chung
Lối đi chung có thể hiểu là phần diện tích đất chung được nhiều hộ gia đình, cá nhân sử dụng để đi ra đường công cộng. Tranh chấp lối đi chung là loại tranh chấp thuộc về lĩnh vực đất đai, nó xảy ra trong trường hợp một bên nhất quyết không mở lối đi cho bên còn lại. Loại tranh chấp này xảy ra thường xuyên và phổ biến trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống như: người được phép mở lối đi trên đất thuộc sở hữu người khác hoặc không được giải quyết mở lối đi qua đất của người khác,… dẫn tới việc lấn chiếm, gây khó dễ cho các bên chủ sở hữu.
2. Quy định về lối đi qua, lối đi chung
Vấn đề về quyền lối đi chung đã được quy định rõ tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
+ Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
+ Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Quy định về lối đi chung được áp dụng về quyền lối đi qua; quyền về lối đi qua là một quyền quy định cho chủ sở hữu bất động sản không có lối đi riêng thông qua đường công cộng và việc mở lối đi qua đất của người khác là việc bắt buộc.
Lúc này, chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác có quyền yêu cầu mở lối đi qua đất của họ. Trên thực tế, có những trường hợp người đề nghị mở lối đi qua không bị vây bọc hoàn toàn, tức là có phải đi ngõ vòng nhiều tới đâu nhưng nếu dẫn được tới lối đi công cộng thì yêu cầu mở lối đi qua đất của người khác là hoàn toàn không có cơ sở chấp thuận.
Pháp luật giải quyết về tranh chấp lối đi chung, bên cạnh đó cũng quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu yêu cầu mở lối đi và chủ sở hữu được yêu cầu mở lối đi như sau: Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lối đi chung
Căn cứ theo Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hoà giải nhưng không thành tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã thì các bên có thể lựa chọn giải quyết tại Toà án, đóng tiền án phí và xử lý hay UBND cấp có thẩm quyền tuỳ vào từng trường hợp.
- Giải quyết tranh chấp lối đi chung tại UBND
UBND cấp có thẩm quyền sẽ giải quyết tranh chấp lối đi chung trong trường hợp các bên không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về chủ tịch UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh.
-
Chủ tịch UBND cấp huyện là người có thẩm quyền giải quyết giữa các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau. Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện thì có quyền khiếu nại tới chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân theo quy định của pháp luật.
-
Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà trong đó có một bên là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư tại nước ngoài. Trường hợp sau khi Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết, nếu các bên không đồng ý thì có quyền khiếu nại tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Toà án nhân dân theo quy định về pháp luật tố tụng hành chính.
- Giải quyết tranh chấp đất đai tại Toà án nhân dân
Theo quy định của pháp luật, các bên có quyền khởi kiện giải quyết tranh chấp lối đi chung theo thủ tục tố tụng mà các bên không có giấy chứng nhận hoặc một trong các bên không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, điều kiện để khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai như sau:
-
Người khởi kiện có quyền khởi kiện.
-
Thuộc thẩm quyền của Toà án theo loại việc.
-
Tranh chấp chưa được giải quyết bằng quyết định hay bản án có hiệu lực.
-
Phải được hòa giải tại UBND cấp xã.
Phụ trách nội dung: Ngọc Ngân
-----------
Để được hỗ trợ những vấn đề pháp luật liên quan, vui lòng liên hệ: CÔNG TY LUẬT DINA
Địa chỉ: 229 Đường Nguyễn Đệ, phường An Hoà, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Holine: 0916.999.058 - 0878.860.860
Mail: luatdina@gmail.com
Website: luatdina.vn
Số lần xem: 25