XỬ LÝ CHO VAY LÃI NẶNG TRONG DÂN SỰ

Trong cuộc sống thường nhật việc vay nợ và trả lãi là điều hết sức bình thường, không ai hạn chế hay cấm cản giao dịch này. Tuy nhiên hiện nay một số thành phần đã lợi dụng việc cho vay để thu lãi suất cao hơn so với quy định của pháp luật dẫn đến những hệ lụy hết sức khôn lường cho người đi vay, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội.

Điều hết sức đáng nói ở đây là những đối tượng cho vay thường lợi dụng tình cảnh đang khó khăn của người vay hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người vay để cho vay rồi thu tiền lãi cao hoặc một số đối tượng tinh vi hơn thì sử dụng các thủ đoạn mua bán tài sản trá hình để che dấu hành vi cho vay nặng lãi. Đến kỳ trả nợ nếu các con nợ có dấu hiệu không trả được nợ thì thường bị chủ nợ đe dọa hoặc khủng bố về tinh thần, thậm chí để có thể thu hồi nợ các chủ nợ còn hành hung, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản nếu người vay không trả được nợ.

Cho vay nặng lãi bị xử phạt thế nào? | Báo Đại biểu Nhân dân

Theo đó để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, Nhà nước đã có những quy định cụ thể và khá nghiêm ngặt về trần lãi suất trong giao dịch dân sự cũng như chế tài xử phạt nếu vi phạm về cho vay lãi.

1. Mức lãi suất cho vay

Theo Điều 468 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định về lãi suất vay như sau:

- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

+ Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

+ Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

2. Xử lý hình sự

- Căn cứ: Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự hiện hành thì người nào cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.

Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Tội cho vay nặng lãi là tội phạm xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, do đó đối tượng cho vay sẽ bị xử lý hình sự nếu hành vi cho vay thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Cho vay lãi gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự (20%/năm của khoản tiền vay), thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên;

+ Cho vay lãi gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính chưa đến 30.000.000 đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng này hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Bên cạnh đó để xử lý người cho vay theo tội cho vay nặng lãi thì cần xem xét thêm về đối tượng cho vay, đối tượng này phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Xử lý hành chính

- Căn cứ: Trường hợp người cho vay không đảm bảo một trong các yếu tố cấu thành tội phạm như đã nêu ở trên thì sẽ không thể xử lý người đó về tội cho vay nặng lãi mà chỉ có thể xử lý hành chính về hành vi cho vay nặng lãi.

Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp 02 lần đối với tổ chức nếu có hành vi như sau:

- Kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015;

- Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Như vậy, nếu một đối tượng thực hiện hành vi cho vay với lãi suất cao hơn lãi suất luật định và thu lợi từ việc cho vay đó thì tùy theo mức độ vi phạm và lần vi phạm mà người có hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Số lần xem: 22

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV DINA (CÔNG TY LUẬT DINA)

Địa chỉ: Số 229 Nguyễn Đệ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Hotline:  0916 999 058 - 0899 790 999

Email: luatdina@gmail.com

Mã số thuế: 1801666178

Website: www.luatdina.vn

  • Trực tuyến:
    1
  • Hôm nay:
    189
  • Tuần này:
    1091
  • Tất cả:
    39019
Thiết kế website Webso.vn