Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản thừa kế của người thụ hưởng trong di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật, tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế sau khi người để lại di sản chết. Vậy trình tự thủ tục khai nhận di sản thừa kế là đất đai theo di chúc thì sẽ như thế nào, có tương tự như thủ tục khai nhận di sản thừa kế khác hay không?
1. Điều kiện để di chúc có hiệu lực
Để được nhận di sản thừa kế, đầu tiên, cần xem xét di chúc để lại có hợp pháp và trái với quy định của pháp luật hây không. Theo đó, tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc hợp pháp khi có các điều kiện sau:
Điều 630. Di chúc hợp pháp
1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Theo đó, nếu di chúc được lập dưới dạng văn bản nhưng không có công chứng, chứng thực thì chỉ được xem là hợp pháp nếu người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép. Ngoài ra, để di chúc hợp pháp, nội dung của di chúc không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức của di chúc phải đúng với quy định pháp luật.
Đối với di chúc được lập bằng miệng, để được xem là hợp pháp thì cần ít nhất hai người làm chứng cùng ghi chép, cùng ké tên hoặc điểm chỉ vào di chúc ấy. Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc, phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
2. Hồ sơ khai nhận di sản đất đai theo di chúc
Căn cứ theo quy định tại Điều 63, Điều 58, khoản 2, 3 Điều 57 Luật công chứng 2014, hồ sơ khai nhận thừa kế theo di chúc cần các giấy tờ sau:
+ Phiếu yêu cầu công chứng
+ Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đó là của người để lại di sản
+ Bản sao di chúc
+ Giấy tờ tùy thân của người nhận thừa kế
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản
+ Một số giấy tờ khác có liên quan,…
3. Thủ tục khai nhận thừa kế đất đai theo di chúc
Theo Điều 53 Luật công chứng 2014 quy định như sau:
Điều 53. Phạm vi áp dụng
Thủ tục công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, hợp đồng ủy quyền, di chúc, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, văn bản từ chối nhận di sản được thực hiện theo quy định của Mục này và các quy định của Mục 1 Chương này mà không trái với quy định của Mục này.
Theo đó, thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo các quy định tại mục 2 Luật công chứng 2014 như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ khai nhận thừa kế đất đai theo di chúc đến văn phòng công chứng
Bước 2: Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng. (theo khoản 03 Điều 40 Luật công chứng 2014)
Bước 3: Trường hợp công chứng viên thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng với quy định pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. (theo khoản 03 Điều 57 Luật công chứng 2014)
Bước 4: Văn bản khai nhận di sản sẽ được niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.trong thời hạn 15 ngày (theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP)
Bước 5: Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng sẽ tiến hành chứng nhận văn bản thừa kế
Số lần xem: 12