NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI GIAO DỊCH NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI CÁ NHÂN, DOANH NGHIỆP

Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, quy mô nền kinh tế và các xu hướng tài chính, việc giao dịch qua các tài khoản ngân hàng ngày càng phổ biến, thay thế phương thức giao dịch bằng tiền mặt thuần túy. Giao dịch qua tài khoản ngân hàng mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp như thuận tiện, nhanh chóng, quản lý dễ dàng... Tuy nhiên, vì giao dịch được thực hiện qua các tổ chức tín dụng nên trong quá trình thanh toán sẽ phát sinh các vấn đề mà cá nhân, doanh nghiệp cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho tài sản, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và các chủ thể khác của giao dịch. Một số điều cần lưu ý được đặt ra qua những câu hỏi cụ thể như sau

1 tài khoản ngân hàng 2 người dùng chung được không? -  DangKyInternetBanking.com

1. Khi giao dịch tại chi nhánh ngân hàng khác chi nhánh quản lý, mở tài khoản có mất phí dịch vụ không? 

Với trường hợp này, đối với cả cá nhân và doanh nghiệp việc có mất phí dịch vụ hay không và mất bao nhiêu khi giao dịch tại chi nhánh ngân hàng khác với chi nhánh mở và quản lý tài khoản sẽ phụ thuộc vào ngân hàng quản lý tài khoản đó. Bởi một số ngân hàng, khi chuyển tiền tại chi nhánh không phải chi nhánh quản lý sẽ mất phí, một số ngân hàng sẽ không đặt ra vấn đề thu phí đối với hoạt động đó. Tuy nhiên, hiện nay, thường đa phần các ngân hàng không thu phí đối với việc thực hiện giao dịch tại chi nhánh khác chi nhánh mở tài khoản, mà chỉ thu phí chuyển tiền trong cùng hệ thống, khác hệ thống và phí chuyển tiền ngoại tệ.

Các ngân hàng khác như Vietcombank, Teckcombank hay Agribank thì cũng đều áp dụng mức phí chuyển tiền chung là từ 0.01% đến 0.03%, Vietcombank và Teckcombank khi chuyển tiền cùng hệ thống thì không phân biệt có cùng Chi nhánh quản lý tài khoản hay không, còn Agribank thì có sự chênh lệch mức phí đối với việc chuyển tiền cùng, khác tỉnh, thành phố, các chi nhánh nội, ngoại thành của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, khi giao dịch tại ngân hàng, cá nhân hay doanh nghiệp không cần quá lo lắng việc giao dịch phải thực hiện tại đâu để không mất phí. Các chủ thể có thể thực hiện giao dịch tại bất cứ chi nhánh nào của hệ thống ngân hàng quản lý tài khoản, vì các ngân hàng thường lưu trữ thông tin của khách hàng trong toàn hệ thống và sẵn sàng phục vụ các giao dịch của khách hàng. Ngân hàng chỉ thu phí chuyển tiền của cá nhân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với mức phổ biến dưới 0.05%.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc phải mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp hay không? Có được dùng tài khoản cá nhân để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không?

Không có quy định pháp luật nào bắt buộc doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng doanh nghiệp, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể dùng tài khoản cá nhân cho các giao dịch kinh doanh của mình. Tuy nhiên việc dùng tài khoản cá nhân cho hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều nhược điểm như thiếu tính chuyên nghiệp, tin cậy khi làm việc với các đối tác, giảm tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh, lẫn lộn tài sản cá nhân và tài sản doanh nghiệp, và đặc biệt là rủi ro cao về vấn đề thuế, về vấn đề thất thoát tài sản. Vì vậy khi thành lập, các doanh nghiệp nên mở tài khoản donh nghiệp để khắc phục được các nhược điểm nêu trên, dễ dàng trong việc nộp thuế điện tử, không cần đi đến trực tiếp ngân hàng hay cơ quan thuế, đồng thời, đối với doanh nghiệp, các ngân hàng thường có các chính sách hỗ trợ tài chính nên sẽ giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn để phát triển.

Một điểm cần lưu ý đối với tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp là cần phân biệt tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân và tài khoản ngân hàng của chủ doanh nghiệp tư nhân. Đối với doanh nghiệp tư nhân, theo khoản 4 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020 thì, tài sản của doanh nghiệp tư nhân cũng chính là tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân đồng nhất với tài khoản ngân hàng của chủ doanh nghiệp tư nhân. Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 23/2014/TT-NHNN, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN quy định như sau:

Đối tượng mở tài khoản thanh toán

1. Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

a) Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

2. Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Như vậy, tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân và tài khoản ngân hàng của chủ doanh nghiệp tư nhân là khác nhau. Doanh nghiệp tư nhân mở tài khoản với tư cách tổ chức, còn chủ doanh nghiệp tư nhân mở tài khoản với tư cách cá nhân. Nếu doanh nghiệp tư nhân nhận thanh toán hoặc thực hiện thanh toán qua tài khoản chủ doanh nghiệp tư nhân thì trên hợp đồng cần thỏa thuận rõ vấn đề này để thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ thanh toán.

3. Mở tài khoản hoặc thẻ ngân hàng nhưng không sử dụng, không giao dịch có mất phí không?

Trên thực tế, ngày càng nhiều các ngân hàng được thành lập, và các hoạt động hướng tới các cá nhân, doanh nghiệp mở thẻ của các ngân hàng cũng đa dạng, phong phú. Vì vậy đã xuất hiện rất nhiều trường hợp, mở thẻ, tài khoản ngân hàng nhưng không sử dụng, không giao dịch mà chỉ mở vì được bạn bè, người thân giới thiệu, vì các nhân viên ngân hàng tư vấn, có chương trình ưu đãi, mở vì mục đích giao dịch nhất thời…

Mà đối với việc mở thẻ, tài khoản ngân hàng, kể cả không sử dụng thì khách hàng vẫn phải đóng các khoản phí phát sinh từ tài khoản ngân hàng theo quy định của ngân hàng như phí duy trì thẻ thường niên, phí dịch vụ khác … Và các khoản này sẽ dồn vào, trở thành nợ nếu không được thanh toán và có thể bị tính phí phạt khi để nợ các phí đó.

Vì vậy, các cá nhân, doanh nghiệp không nên tùy tiện mở thẻ tại các ngân hàng mà không sử dụng tới, cân nhắc khi mở thẻ tại bất kỳ ngân hàng nào phục vụ cho mục đích của bản thân, hủy những thẻ, tài khoản không cần thiết, tránh bị tính phí dịch vụ mà không biết và tránh lộ thông tin tài chính của bản thân.

Số lần xem: 19

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV DINA (CÔNG TY LUẬT DINA)

Địa chỉ: Số 229 Nguyễn Đệ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Hotline:  0916 999 058 - 0899 790 999

Email: luatdina@gmail.com

Mã số thuế: 1801666178

Website: www.luatdina.vn

  • Trực tuyến:
    1
  • Hôm nay:
    129
  • Tuần này:
    1048
  • Tất cả:
    31118
Thiết kế website Webso.vn